“Silent treatment” – sự im lặng độc hại, không chỉ khiến chúng ta tuyệt giao với những người xung quanh mà còn đẩy các mối quan hệ hay bản thân trở nên độc hại hơn.
Lưu ý: Bài viết đôi lúc sẽ giữ nguyên thuật ngữ “silent treatment”.
Chúng tôi có một cuộc cãi nhau nho nhỏ; tôi không nghĩ rằng những cuộc cãi nhau sẽ đủ làm hai đứa chia tay nhưng sau lần đó, tôi không thấy anh nhắn tin cho tôi nữa. Một tháng sau, chúng tôi hoàn toàn tuyệt giao. Tôi kể với những người đồng nghiệp rằng bọn tôi đã chia tay. Tôi không biết anh có nghĩ gì về cuộc chia tay kỳ quặc này không nhưng dường như mọi chuyện chỉ tệ hơn; không biết bao nhiêu lần tôi hỏi sao anh ta không nhắn tin cho mình? hoặc mình không nhắn cho anh ta một tin là hãy chia tay đi?
Chúng tôi đang bạo hành tinh thần nhau thì phải.
Đến khi trải qua câu chuyện này, tôi mới biết “silent treatment” – sự im lặng độc hại tồn tại quanh mình. Tôi được nghe câu chuyện về một người phụ nữ mà cha cô ấy đã không nói chuyện với cô trong suốt 6 tháng. Kể cả trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh, ông vẫn chọn cách tuyệt giao đến khi trút hơi thở cuối cùng. Chuyện một người cha không nói với đứa con tuổi vị thành niên không nghe lời, biến đứa trẻ từ một cậu nhóc hiếu động vui vẻ trở thành một kẻ lầm lì ít nói. Tôi cũng được nghe câu chuyện về một cặp vợ chồng, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ đã dẫn đến việc ngừng giao tiếp suốt 40 năm cuộc đời cho đến khi người chồng qua đời. Đó là 40 năm cô ấy ăn một mình, xem tivi một mình. Khi được hỏi tại sao cô vẫn có thể chịu đựng được 40 năm như vậy, người phụ nữ đó trả lời: “Bởi vì ít nhất anh ấy vẫn là một nơi để tôi có thể nương náu.”
Im lặng thực sự khiến cuộc sống này trở nên tệ hại hơn rất nhiều.
“Silent treatment” thường được nhắc tới với nhiều tên gọi: Sự tuyệt giao, sự im lặng độc hại, “ghosting” – tẩy chay bằng cách im lặng và phớt lờ. Đây không phải một vấn đề mới khi đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Chúng ta vẫn coi là im lặng là điều bình thường cho tới khi nó vượt qua tầm kiểm soát, đặc biệt là với những người thân thiết. Con người là những sinh vật xã hội và chúng ta cần giao tiếp để duy trì cuộc sống. Việc mất kết nối một cách chủ đích khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn những gì chúng ta có thể nghĩ tới. Về ngắn hạn, sự im lặng sẽ dẫn đến căng thẳng và áp lực. Nếu phải chịu đựng sự im lặng lâu dài, nó đã chuyển thành một dạng bạo hành.
Có lúc tôi tự hỏi, nếu coi đó là một dạng bạo hành, tại sao chúng ta lại làm nhiều đến như vậy? Theo một nghiên cứu được chia sẻ trên tờ The Atlantic, cứ 2/3 người đã thực hành bạo hành bằng cách im lặng với người khác.
Chúng ta bạo hành với nhau bằng cách im lặng vì không ai coi đó là bạo hành; chỉ đơn giản là một sự im lặng hay từ chối giao tiếp. Bằng tất cả những lý do như không thoải mái nói chuyện, không hợp nhau, cảm thấy cần thời gian nghỉ ngơi… chúng ta hợp lý hóa cho việc ngừng giao tiếp của bản thân. Im lặng độc hại như một trò chơi mà đối phương không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề, còn kẻ bạo hành chẳng phải làm gì nhiều ngoài… im lặng.
Khi tôi và người yêu chọn im lặng để kết thúc vấn đề, chúng tôi đang gieo vào cuộc sống của nhau những điều độc hại. Im lặng – sâu xa hơn khi chúng ta nhìn vào là một công cụ để kiểm soát và bạo hành. Ở mức độ giữa cá nhân – cá nhân, sự im lặng sẽ khiến nạn nhân bị thao túng cảm xúc, khiến nạn nhân phải tự vấn bản thân xem mình đã làm sai điều gì. Im lặng là biểu hiện của sự từ chối; im lặng như một con dao hai lưỡi trong các cuộc tranh luận khi nhiều người cho rằng đó là cách để kết thúc vấn đề; trên thực tế, đó còn là sự khước từ thấu hiểu. Vượt qua các cấp độ tinh thần, im lặng còn gây tổn hại về mặt thể chất. Tôi chán ăn, mất ngủ, thường xuyên căng thẳng và đau đầu; tất cả cũng chỉ vì một câu hỏi: Tại sao anh lại im lặng với mình? Tại sao tôi không chịu mở lời?
Ở mức độ giữa cá nhân – tập thể, im lặng là một sự tẩy chay. Ít hay nhiều, ai trong chúng ta cũng đã từng có lần bị tẩy chay thời còn đi học. Đó có lẽ là những kỷ niệm sơ khởi nhất tôi còn nhớ khi đám bạn cùng lớp nói với nhau “ê đừng chơi với thằng kia nữa.” Lớp học là một xã hội thu nhỏ, sự im lặng khiến chúng ta có cảm giác mình bị loại trừ ra khỏi xã hội đó. Nhỏ là lớp học, lớn là môi trường công sở, hội nhóm. Nếu như những lời nói có tính sát thương thì việc im lặng càng nới rộng khoảng cách giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể. Khi vấn đề còn được nói ra, người ta còn tìm được cách giải quyết. Đi tìm câu trả lời cho sự im lặng giống như lần mò trong bóng tối, mỗi bước đi mỗi bước hoang mang.
Những mối quan hệ rạn vỡ, xu hướng tự chỉ trích bản thân, trầm cảm, rối loạn lo âu và kể cả tự tử đều là hậu quả có thể xảy ra của sự im lặng và phớt lờ. Khi nhìn về những tác động tiêu cực của phớt lờ lên nạn nhân, người ta thấy tương tự như bất cứ sự bạo hành thể chất nào. Có những mối quan hệ, im lặng đến từ một phía, như trường hợp của tôi đến từ cả hai phái. Ai là nạn nhân và ai là hung thủ? Chúng ta đều là “nạn nhân” của sự im lặng độc hại vì hung thủ cũng gặp phải những vấn đề của riêng mình. Chừng nào họ còn giữ trạng thái im lặng, cô lập người đối phương, tách biệt nhau ra khỏi mối quan hệ, chừng đó họ còn chìm trong sự tức giận và cảm xúc tiêu cực.
Điều tồi tệ hơn, im lặng và phớt lừo có khả năng “gây nghiện”. Khi nhận ra hiệu quả của cách thao túng cảm xúc này, chúng ta sẽ liên tục sử dụng trong mối quan hệ như một cách để phản kháng trước những bất đồng hay sự không vừa lòng với bất cứ vấn đề gì. Phần lớn những người thực hiện silent treatment không có ý định sẽ kéo dài nó lâu như vậy nhưng rất khó để họ có ngừng mọi chuyện lại. Khi tôi nghĩ chuyện cặp đôi cãi nhau chỉ vài ngày là ai đó sẽ mở lời, câu chuyện đã kéo dài hơn một tháng.
Thoát ra khỏi silent treatment
Trên trang Psychologytoday, để tránh khỏi những silent treatment, các chuyên gia đã liệt kê ra những điều bạn nên làm.
– Tránh việc bị cô lập: Duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè, người thân sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn khi rơi vào mối quan tiêu cực với người yêu.
– Làm lành với chính mình: Tìm kiếm các sở thích, thói quen mối giúp bạn luôn vững vàng trong khi phải đối mặt với sự im lặng và phớt lờ.
– Hãy luôn nhớ đến bản thân: Một trong những vấn đề của các mối quan hệ độc hại là đôi khi bạn quên mất mình là ai. Đừng để ý kiến, mong muốn hay mục tiêu của bạn bị đè nén bởi mối tình độc hại.
– Tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia: Một chuyên gia hiểu về bạo hành và kiểm soát có thể giúp bạn hiểu được những điều mình đang phải trải qua.
– Xác định giới hạn: Hãy nhớ rằng im lặng chỉ là một chiến thuật để kiểm soát người khác và sau đó có thể là rất nhiều những thủ thuật khác. Nếu bạn nghĩ rằng tình huống đang gây hại cho bản thân và gia đình, hãy cố gắng thoát ra khỏi nó.
Với tôi, điều quan trọng nhất để giải quyết vấn đề im lặng và phớt lờ là lên tiếng, nói với đối phương rằng mình mong muốn giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, khi đối phương từ chối giải quyết vấn đề, có lẽ đã tới lúc rời khỏi mối quan hệ. Vì suy cho cùng, dù sự im lặng kéo dài 4 tiếng hay 40 năm, sự im lặng độc hại đó nói nhiều hơn về kẻ thao túng hơn là về nạn nhân.
Theo Kenh14.vn
Tin cùng chuyên mục:
Sự kiện OOH Coffee: Đổi mới quảng cáo ngoài trời để phát triển bền vững trong thời đại số
Cơ sở II Trường đại học Ngoại thương tiếp tục là một trong những trường đại học dẫn đầu cả nước về chất lượng sinh viên đầu vào
Sinh viên Ngoại thương Cơ sở II tỏa sáng với chứng chỉ FIATA: Nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động quốc tế
Đẩy mạnh mở rộng hợp tác, Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tiếp tục hướng đến nhiều giá trị thiết thực cho sinh viên