“Nếu chúng ta nghĩ rằng hàng hóa cần lưu trữ chỉ là kiểu giấy tờ, hàng giá trị thấp có thể sẽ cân nhắc. Nhưng nếu là quần áo, giày dép, máy tính, Tivi, đồ da, đồ hiệu… chúng ta lại thấy không hề đắt tí nào. Thực tế rất nhiều người có nhu cầu trong thời gian ngắn hạn, chẳng hạn các Expats về nước, hoặc gia đình sửa nhà, chuyển nhà sẽ rất cần kho lưu trữ như vậy”, Shark Hưng nói lý do đầu tư 4 tỷ đồng vào My Storage của Founder người Mỹ.
Chia sẻ sau bể cá mập, Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cho biết ông rất ấn tượng với CEO CTCP Austin Labs (cung cấp không gian lưu trữ My Storage), anh Aric Austin.
“Bạn ấy là người Mỹ, từng sống ở Châu Âu, về Việt Nam sinh sống và nghĩ ra một mô hình kinh doanh khá hay, xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân. Đầu tiên bạn ấy nghĩ chỉ làm ra để ủng hộ cho các Expats (các chuyên gia nước ngoài) đang sống và làm việc ở Việt Nam, nhưng rõ ràng người Việt Nam chúng ta có nhu cầu”.
“Về bản chất, đây là một mô hình kinh doanh theo phương thức chia sẻ. Mô hình coworking space là chia sẻ chỗ làm việc, homestay – chia sẻ chỗ ở chung, và giờ là chia sẻ kho chứa đồ“, Shark Hưng nói.
Giá dịch vụ đắt hay rẻ?
My Storage có mức phí dịch vụ 696.000 đồng/m3/tháng. Ở cương vị hội đồng đầu tư Shark Tank Việt Nam, Shark Bình là vị cá mập chê startup này nhiều nhất. Ông thẳng thắn so sánh mức giá thuê kho này với giá thuê nhà Việt Nam ở mức 5 – 6 triệu đồng/tháng với diện tích 20m2, và chê mức giá My Storage đưa ra khá đắt.
“Mô hình này rất phổ biến ở phương Tây nhưng tôi nghĩ trong văn hóa Việt Nam, hầu hết các gia đình đều cất giữ mọi thứ ở nhà. Ở Việt Nam, người ta cũng có văn hóa dùng đồ cũ nên nếu không dùng, họ sẽ bán lại cho người khác. Vì vậy, tôi nghĩ mô hình kinh doanh này phù hợp hơn với những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, một cộng đồng nhỏ“, Shark Bình nói trước khi từ chối đầu tư.
Nhìn nhận tiềm năng của My Storage, vị cá mập bất động sản Phạm Thanh Hưng lại cho rằng, mức giá trên hoàn toàn hợp lý.
Vì đâu Shark Hưng quyết định đầu tư 4 tỷ vào My Storage?
Chia sẻ lý do đầu tư 4 tỷ đồng cho My Storage, Shark Hưng cho biết đây là mô hình kinh doanh đơn giản nhưng lại khá mới ở Việt Nam, và ông hoàn toàn tin rằng nó có tiềm năng nhất định.
“Founder trình bày mô hình kinh doanh rõ nét, thể hiện được tính cam kết cao, có năng lực trong việc quản lý, vận hành, vì vậy tôi quyết định đầu tư”.
“Tôi khá vui vì deal được mức giá khá tốt. Nếu bạn đề nghị 3 tỷ đồng cho 15% tôi thấy cũng đã được rồi, tôi đề nghị thêm 1 tỷ mà được thêm 10% nữa, tổng có 25%, rất hời so với đề nghị ban đầu”, Shark Hưng nói.
Về tiềm năng phát triển của My Storage, ông Hưng cho biết với hệ sinh thái bất động sản của CEN Group, các khách hàng của tập đoàn cũng có thể là khách hàng của My Storage.
“Bản thân chúng tôi có thể cùng bạn ấy tìm ra địa điểm tốt vừa gần khách hàng vừa có mức giá hợp lý, thậm chí tôi cũng nghĩ có thể cải tiến mô hình này một chút, có thể không phải thuê những kho xa, mất công đi lại, mà thậm chí thuê ngay trong cùng một khu chung cư, rất nhiều người trong chung cư có thể thuê một tầng kỹ thuật hoặc một tầng hầm… để làm kho lưu trữ, sẽ tiện lợi hơn”.
“Ví dụ thay vì khách hàng có thể mua căn hộ 3 phòng ngủ hoặc mua dư 3m2 để chứa đồ, có thể mua những căn hộ nhỏ hơn, và sử dụng dịch vụ My Storage mỗi khi giao mùa cần đổi đồ (đến mùa hè thì cất đồ mùa đông chẳng hạn). Đó là những nhu cầu tôi thấy rất tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của tôi“, Shark Hưng nhìn nhận.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp Thị
Tin cùng chuyên mục:
Sinh viên Cơ sở II hào hứng tham gia buổi chia sẻ “Meet the Epiconic – Pathways to Success in Marketing”
Sự kiện OOH Coffee: Đổi mới quảng cáo ngoài trời để phát triển bền vững trong thời đại số
Cơ sở II Trường đại học Ngoại thương tiếp tục là một trong những trường đại học dẫn đầu cả nước về chất lượng sinh viên đầu vào
Sinh viên Ngoại thương Cơ sở II tỏa sáng với chứng chỉ FIATA: Nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động quốc tế