Quản lý rủi ro doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 để nâng cao năng lực cạnh tranh

Đoàn công tác của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các chuyên gia tư vấn của Trường Đại học Ngoại thương đánh giá quá trình áp dụng ISO 31000:2018 tại Công ty Cổ phần liên doanh Sơn Quốc Tế Mỹ

Vũ Thị Kim Oanh (Trường Đại học Ngoại thương)

Quản lý rủi ro doanh nghiệp là nền tảng cho những cải tiến trong chiến lược kinh doanh và định hướng kinh doanh để không chỉ để tối đa hóa hiệu quả kinh doanh mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Quản lý rủi ro doanh nghiệp giúp doanh nghiệp xác định những rủi ro có thể xảy ra, cung cấp cơ sở hợp lý cho việc đưa ra quyết định giải quyết rủi ro. Quản lý rủi ro doanh nghiệp sẽ đảm bảo giải quyết ưu tiên những rủi ro có nguy cơ cao và đảm bảo việc giải quyết rủi ro với một mức chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại là cao nhất. Từ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tiêu chuẩn ISO 31000 là các nguyên tắc thực hành tốt nhất để thực hiện, duy trì và cải tiến khuôn khổ quản lý rủi ro doanh nghiệp đã được thừa nhận ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, quản lý rủi ro doanh nghiệp vẫn còn là vấn đề mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Công ty Cổ phần liên doanh Sơn Quốc Tế Mỹ được thành lập từ năm 2009 và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sơn. Triết lý kinh doanh của Công ty là luôn tập trung vào “Lấy chữ tín làm đầu”, uy tín của Công ty đến từ chất lượng sản phẩm. Vì vậy, Công ty đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu khoa học và cải tiến công nghệ trong quá trình sản xuất sơn để tạo ra những sản phẩm sơn có chất lượng tốt nhất để phục vụ khách hàng. Hơn nữa, Công ty cũng không ngừng tìm kiếm và tiếp thu các phương pháp quản trị hiện đại để cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi được đề nghị tham gia Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 vào doanh nghiệp của Việt Nam” do Trường Đại học Ngoại thương chủ trì, lãnh đạo Công ty đã thể hiện quyết tâm mong muốn tham gia và được lựa chọn là một trong hai mươi doanh nghiệp sản xuất được tư vấn áp dụng ISO 31000:2018.

Với sự tư vấn của các chuyên gia Trường Đại học Ngoại thương, Công ty đã xây dựng được bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro, ban hành chính sách quản lý rủi ro. Trên cơ sở đó, Công ty đã phân tích hiện trạng, đánh giá rủi ro và xử lý rủi ro với các kế hoạch hành động chi tiết phù hợp theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 với hệ thống biểu mẫu đầy đủ và thuận tiện. Quá trình quản lý rủi ro đã giúp Công ty đã đa dạng hóa nguồn cung, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, hay thương thảo hợp đồng dài hạn để giảm tác động của giá cả biến đổi. Công ty cũng đã hạn chế được sự cố hỏng hóc máy móc được xử lý nhờ việc thường xuyên kiểm tra, bảo trì nên sản xuất đảm bảo tiến độ. Hơn nữa, Công ty đã nghiên cứu và phân tích thị trường để hiểu rõ nhu cầu, mong muốn và xu hướng của khách hàng; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm để đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Những thành tựu ban đầu của quá trình áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 để quản lý rủi ro đã giúp Công ty cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề để phát triển bền vững trong thời gian tới.

*Bài viết này là sản phẩm của đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 vào doanh nghiệp của Việt Nam”, mã số 03.6/NSCL-2022.

Đoàn công tác của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các chuyên gia tư vấn của Trường Đại học Ngoại thương đánh giá quá trình áp dụng ISO 31000:2018 tại Công ty Cổ phần liên doanh Sơn Quốc Tế Mỹ
Đoàn công tác của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các chuyên gia tư vấn của Trường Đại học Ngoại thương đánh giá quá trình áp dụng ISO 31000:2018 tại Công ty Cổ phần liên doanh Sơn Quốc Tế Mỹ